Sunday, March 21, 2021

Vài nét về lịch sử hiện đại Myanmar qua hình ảnh


Ảnh 1: poster về Myanmar trong một cuộc triển lãm của Đế quốc Anh năm 1924

Đầu thế kỷ 20, đa phần các nước trong khu vực Đông Nam Á trở thành thuộc địa của các đế quốc phương Tây. Trong khi Việt Nam, Lào, Campuchia thành thuộc địa của Pháp thì đất nước Myanmar là một thuộc địa của Đế quốc Anh. Gạo và gỗ tếch (teak) là hai trong số những sản vật dồi dào của Myanmar góp vào sự giàu có của đế quốc này. Khi đó, Myanmar có tên gọi trong tiếng Anh là “Burma”. Còn tiếng Việt trước đây gọi Myanmar là “Miến Điện”.


Ảnh 2: Aung San tại London năm 1947 để đàm phán về nền độc lập của Myanmar

Aung San (1915-1947) là một nhà lãnh đạo yêu nước người Myanmar. Từ thời sinh viên đại học, ông đã tham gia vào các phong trào chống chủ nghĩa đế quốc cũng như tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Ông cũng là người thành lập quân đội Myanmar (Tatmadaw). Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông đàm phán để Đế quốc Anh rời khỏi Myanmar. Aung San được nhiều người Myanmar yêu mến, coi là người cha của dân tộc. Ông và nhiều lãnh đạo chủ chốt khác của đất nước bị ám sát năm 1947.


Ảnh 3: Lá cờ thuộc địa được hạ xuống, đánh dấu thời khắc Myanmar (Miến Điện) trở thành một quốc gia độc lập ngày 1/1/1948

Myanmar chính thức trở thành một quốc gia độc lập vào ngày đầu tiên của năm 1948. Ngay khi mới ra đời, Myanmar đã phải đối mặt với tình hình bất ổn do có nhiều cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân. Về mặt ngoại giao, Myanmar theo đường lối trung lập. Myanmar từ chối gia nhập khối SEATO, một tổ chức được thành lập để ngăn cản chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á.


Ảnh 4: Lực lượng quân đội trên đường phố Yangon (lúc đó tên là Rangoon), ngày 4/3/1962

Tháng 3 năm 1962, Myanmar xảy ra đảo chính, tướng Ne Win bắt giữ các quan chức chính phủ. Ngày 7/7 cùng năm, cuộc biểu tình phản đối đảo chính của sinh viên Đại học Rangoon bị đàn áp khiến hơn 100 sinh viên thiệt mạng.

Sau khi lên nắm quyền, tướng Ne Win thay đổi chính sách kinh tế, cô lập Myanmar với thế giới bên ngoài. Tình hình an ninh trong nước cũng không ổn định. Năm 1978, quân đội Myanmar tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm trục xuất người Rohingya, một dân tộc thiểu số ở bang Rakhine và khiến cho khoảng 200.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh.


Ảnh 5: Tờ tiền mệnh giá 90 kyat

Kinh tế Myanmar ngày càng suy sụp, nợ nước ngoài tăng cao. Năm 1987, Myanmar “được” Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách các nước kém phát triển nhất (“least developed countries”). Thời kỳ này, đồng tiền kyat của Myanmar có những mệnh giá kỳ lạ như 90 và 45 kyat (là những số chia hết cho 9). Tướng Ne Win tin rằng con số 9 là con số may mắn của ông ta.


Ảnh 6: Cuộc biểu tình của nhân viên bộ Quốc phòng Myanmar dưới mưa ngày 7/9/1988 tại Yangon

Năm 1987, chính quyền Myanmar đột ngột tuyên bố rút các tờ tiền 100, 75, 35 và 25 kyat khỏi lưu thông, trong nước chỉ còn dùng tờ 90 và 45 kyat. Hậu quả là nhiều khoản tiết kiệm của người Myanmar bay hơi. Kinh tế khủng hoảng, tham nhũng, tình trạng bạo lực từ phía chính quyền đã dẫn đến cuộc nổi dậy 8888 của người dân Myanmar với sự tham gia của nhiều thành phần như sinh viên đại học, bác sĩ, phụ nữ, nhà sư. (Cuộc nổi dậy có tên như vậy vì sự kiện chính diễn ra vào ngày 8/8/1988.)

Cuộc nổi dậy cuối cùng bị trấn áp. Quân đội Myanmar đưa ra con số 350 người thiệt mạng, nhưng cũng có những con số ước tính khác lên đến hàng ngàn.


Ảnh 7: Một cô gái Myanmar đang bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổ chức năm 1990

Cuộc nổi dậy 8888 gây sức ép buộc chính quyền Myanmar phải thay đổi. Năm 1990, một cuộc bầu cử được tổ chức với chiến thắng thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy), người đứng đầu là Aung San Suu Kyi. Người phụ nữ này chính là con gái của Aung San, người đã mang lại nền độc lập cho Myanmar.

Phe quân đội Myanmar sau đó đã không công nhận kết quả bầu cử, bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia.


Ảnh 8: Một nhóm quân nổi dậy chống lại quân đội Myanmar người Karen, một dân tộc thiểu số. Bạo lực tại Myanmar đã lôi rất nhiều trẻ em vào xung đột. Ảnh chụp năm 1988.

Sau khi bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc, chính quyền quân sự Myanmar tiếp tục nắm quyền. Nhiều cuộc nổi dậy của các nhóm vũ trang vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều bang của Myanmar.


Ảnh 9: Người dân Myanmar nắm tay nhau bảo vệ các nhà sư trong cuộc tuần hành phản đối chính quyền quân sự trên đường phố Yangon năm 2007

Năm 2007, chính phủ Myanmar bất ngờ bỏ trợ giá nhiên liệu, khiến giá xăng, khí đốt tăng vọt. Nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra tại Myanmar, trong đó có sự tham gia của nhiều Phật tử.


Ảnh 10: một nữ tu sĩ Myanmar cầu nguyện trên đường phố Yangon, phía trước bà là một đoàn biểu tình (26/9/2007)

Quân đội Myanmar dập tắt các cuộc biểu tình năm 2007 bằng vũ lực. Con số chính thức được đưa ra là 13 người thiệt mạng, nhưng có những ước tính cao hơn.


Ảnh 11: Những đứa trẻ người Myanmar đi qua di ảnh của nạn nhân của trận bão Nargis năm 2008

Năm 2008, trận bão có tên Nargis đổ bộ vào Myanmar, gây ra hậu quả thảm khốc (khoảng 138.000 người thiệt mạng hoặc mất tích) và trở thành thảm họa thiên tai nặng nề nhất trong lịch sử Myanmar. Chính quyền Myanmar phản ứng chậm chạp và thậm chí lúc đầu khước từ các nỗ lực cứu trợ của quốc tế. Sau khi Ấn Độ và các nước ASEAN hối thúc, Myanmar mới cho phép các đoàn cứu trợ nước ngoài vào giúp.


Ảnh 12: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Aung San Suu Kyi trong một sự kiện năm 2019

Bắt đầu từ năm 2011, Myanmar tiến hành một số cải cách chính trị, kinh tế. Năm 2015, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành được nhiều phiếu bầu của người dân nhất. Myanmar tiến hành mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là giai đoạn mà quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar mở rộng. Số người Việt Nam sang Myanmar làm ăn, du lịch tăng lên.


Ảnh 13: Một cô gái người Rohingya trên đường đến một trại tị nạn ở Bangladesh

Bên cạnh những tiến bộ về kinh tế, xã hội mà Myanmar đạt được trong thập niên 2010, những cuộc xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn tại những vùng xa xôi của Myanmar. Trong những cuộc xung đột đó, nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya với nhiều nguyên nhân và diễn biến rất phức tạp. Hậu quả là hơn 700.000 người Rohingya đã phải chạy sang nước ngoài.


Ảnh 14: Như mọi ngày, cô giáo dạy aerobics Khing Hnin Wai quay phim các bài tập của cô tại trung tâm thủ đô Naypyidaw. Video ngày 1/2 của cô tình cờ ghi lại diễn biến cuộc đảo chính.

Năm 2020, đảng NLD tiếp tục giành được số phiếu cao nhất của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, phe quân đội đã cho rằng cuộc bầu cử có gian lận. Ngày 1/2/2021, phía quân đội bất ngờ tiến hành cuộc đảo chính, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo cấp cao của Myanmar.


Ảnh 15: Các nhân viên y tế Myanmar kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, ảnh chụp vào ngày 10/2/2021

Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar đã dẫn đến những cuộc biểu tình trên quy mô lớn của người dân Myanmar, với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.


Ảnh 16: Di ảnh trong đám tang của Mya Thwate Thwate Khaing (20 tuổi), một trong những nạn nhân đầu tiên của tình trạng bạo lực tại Myanmar

Trước những cuộc tuần hành quy mô lớn diễn ra trên nhiều thành phố của Myanmar, chính quyền quân sự của nước này đã dùng những biện pháp mạnh để dẹp yên tình hình. Hậu quả là tính đến ngày 6/3/2021, đã có hơn 50 người Myanmar thiệt mạng. Những diễn biến đáng buồn tại Myanmar hiện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

No comments:

Post a Comment