Trước đây, mình đã viết bài “Bức tranh chủng tộc của thế giới” và thấy có nhiều tranh luận rất thú vị về ngoại hình của người Thái, Thái gốc, Thái lai. Cho nên mình sẽ tiếp tục làm một bài riêng về sự đa dạng về ngoại hình của Thái Lan gắn với các thông tin lịch sử, địa lí nước này. Hình ảnh minh họa là một số người nổi tiếng của Thái Lan. Các bạn đọc thông tin chi tiết trong từng hình.
Ảnh: hình ảnh phổ biến về vẻ đẹp của phụ nữ Thái Lan trong phim ảnh và quảng bá du lịch
Ảnh: Các cô gái người Môn trong trang phục truyền thống
Một trong những cư dân lâu đời nhất ở Thái Lan là người Môn (Mon), có mặt tại Thái Lan trước cả người Thái. Đây là một dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), một hệ ngôn ngữ có bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Khmer. Một tên gọi khác của hệ ngôn ngữ Nam Á là Môn-Khmer, trong cái tên này nhắc đến người Môn.
Ảnh: bản đồ những khu vực ở Thái Lan từng có người Môn sinh sống (màu xanh)
Người Môn được cho là đã di cư từ Trung Quốc xuống bán đảo Đông Dương khoảng 3000 năm trước. Là một trong những cư dân bản địa đầu tiên của vùng Đông Nam Á lục địa, người Môn đóng vai trò rất lớn trong việc tiếp nhận và truyền bá Phật giáo tiểu thừa ở Đông Nam Á. Họ là chủ nhân của nền văn hóa Dvaravati, một tập hợp các tiểu quốc dọc sông Chao Phraya từ thế kỷ 6 đến 11.
Ảnh: Công chúa Sirindhorn, con gái của vua Bhumibol Adulyadej. Giống như nhiều thành viên hoàng tộc Thái Lan, bà có một phần dòng máu Môn.
Về sau, những vương quốc của người Môn dần bị người Khmer và người Thái thôn tính. Dân số người Môn hiện nay chỉ khoảng 1,2 triệu người, chủ yếu sống tại bang Mon của Myanmar. Một trong những di sản đáng kể nhất của người Môn có lẽ chính là… hoàng gia Thái Lan. Vua Rama I, vị vua đầu tiên của triều đại Chakri hiện tại có cha là một quý tộc người Môn trong triều đình (còn mẹ là người có một phần gốc Hoa).
Ảnh: Siroch Chatthong, cầu thủ bóng đá người Thái gốc Khmer. Anh này quê ở Surin, Đông Bắc Thái Lan.
Trước khi người Thái tiến xuống Thái Lan, vùng đất này cũng là nơi cư trú của người Khmer. Một phần lớn lãnh thổ Thái Lan từng nằm trong đế quốc Khmer rộng lớn và hùng mạnh thời trung đại. Ngày nay, các dấu tích kiến trúc đậm chất Khmer vẫn còn sót lại ở các tỉnh Nakhon Ratchasima, Buriram và Surin.
Ảnh: người Maniq ở Thái Lan (ảnh của Phathraphan Udomsri)
Một trong những nhóm cư dân bản địa khác đáng chú ý ở Thái Lan là người Maniq. Họ là một nhóm dân tộc thiểu số cư trú ở miền Nam Thái Lan với dân số chỉ khoảng 300 người. Người Maniq có ngoại hình khá khác biệt so với đa số cư dân Thái Lan hiện đại.
Ảnh: Weir Sukollawat Kanarot, diễn viên Thái Lan
Từ thế kỷ 10, các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai bắt đầu di cư từ miền Nam Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Họ là tổ tiên của người Thái và người Lào hiện nay.
Ảnh: Pope Tanawat Wattanaputi, diễn viên Thái Lan trong một bộ phim lấy cảm hứng lịch sử thời vương quốc Ayutthaya
Khi người Thái tiến xuống vùng đồng bằng Chao Phraya trong lãnh thổ Thái Lan hiện tại, họ đã tiếp xúc với các dân tộc Môn và Khmer, kết quả là xảy ra sự hòa trộn về dòng máu giữa các sắc dân. Người Thái cũng tiếp nhận văn hóa và tôn giáo của hai dân tộc Đông Nam Á này. Người Thái lần lượt lập ra các vương quốc Sukhothai và Ayutthaya.
Ảnh: Ter Chantavit Dhanasevi, một nam diễn viên của Thái Lan
Sự lai của giữa các bộ tộc Thái từ phương Bắc và các dân tộc bản địa phương Nam đã dẫn tới sự đa dạng về gen và ngoại hình rất lớn của người Thái hiện đại. Việc định nghĩa “người Thái gốc” cũng rất khó vì diện mạo của người Thái là tổng hòa của nhiều dân tộc đã sống tại Thái Lan hàng thế kỷ.
Ảnh: Cris Horwang, diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng của Thái Lan. Cô là người Thái gốc Hoa.
Bắt đầu từ thế kỷ 13, người Trung Quốc (chủ yếu là từ Quảng Đông và Phúc Kiến) cũng bắt đầu đi sang Thái Lan. Người Hoa đến Thái Lan khi đó chủ yếu là đàn ông làm nghề buôn bán, rất ít phụ nữ đi cùng. Nhiều người chọn kết hôn với phụ nữ bản địa, dần dần tạo thành một lớp người Thái gốc Hoa.
Ảnh: Tay Tawan Vihokratana, một diễn viên người Thái Lan có gốc Hoa
Sang thế kỷ 20, việc nhập cư từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Sự thành công về kinh tế của người gốc Hoa đôi khi cũng dẫn đến mâu thuẫn với người Thái bản địa, nhất là trong thời gian từ thập niên 1930 đến 1950.
Ảnh: một thanh niên người Thái Lan có gốc Hoa
Tuy nhiên càng về sau, thế hệ con cháu người Hoa ngày càng đồng hóa vào xã hội Thái Lan và tự coi mình là người Thái, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Thái chứ không phải tiếng Trung.
Ảnh: bà Yingluck Sinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan xuất thân trong một gia đình gốc Hoa giàu có ở Chiang Mai
Hiện nay ở Thái Lan có khoảng 10 triệu người gốc Hoa, chiếm 14% dân số nước này. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Thái Lan Theraphan Luangthongkum cho rằng nếu tính cả những người lai Thái-Hoa thì số người gốc Hoa có thể lên đến 40% dân số. Đa phần các thủ tướng Thái Lan đều có một vài tổ tiên là người Hoa.
Ảnh: Peach Pachara Chirathivat, nam diễn viên Thái Lan là một thành viên của gia tộc Chirathivat giàu có ở nước này
Người Hoa cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này là của người Thái gốc Hoa. Người Hoa chiếm tỷ lệ lớn trong tầng lớp trung lưu Thái. Họ sống tập trung chủ yếu ở Bangkok và vùng duyên hải của nước này.
Ảnh: một quảng cáo kem làm trắng da của Thái Lan từng gây bức xúc trong dư luận
Tuy không có mâu thuẫn về chủng tộc gay gắt như một số nước phương Tây, song Thái Lan vẫn tồn tại sự kỳ thị về màu da. Theo quan điểm thẩm mỹ của xã hội Thái, da trắng hơn đồng nghĩa với sự sung túc của những tầng lớp giàu có, không phải mưu sinh trên đồng ruộng hay lao động ngoài trời. Định kiến màu da này ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và tiêu chuẩn cái đẹp của một bộ phận người dân Thái.
Ảnh: dàn diễn viên trong phim “Thiên tài bất hảo” (“Bad Genius”), nội dung phim lấy bối cảnh một trường trung học Thái Lan.
Ngành giải trí của Thái Lan ưa chuộng vẻ đẹp của những người Thái có nước da sáng, trong đó có cả những người Thái gốc Hoa hơn là những người Thái có nước da nâu. Người Thái gốc Hoa hoặc lai luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong showbiz Thái Lan. Một số bộ phim và phim truyền hình Thái nổi tiếng ở Việt Nam như “Bad Genius” hay “Hormones” có dàn cast là người Thái gốc Hoa chiếm tỷ lệ lớn.
Ảnh: một nhóm học sinh Thái Lan
Trong thực tế, người Thái Lan có sự đa dạng lớn về ngoại hình, có người mang nét thiên về Đông Á, có người mang nét Đông Nam Á rõ hơn.
Ảnh: một nhóm các em học sinh Thái Lan
Người Việt từng tiếp xúc với Thái Lan qua phim ảnh khi sang Thái Lan có thể hơi bất ngờ vì nhiều người dân Thái có ngoại hình khá khác biệt so với những diễn viên, ca sĩ họ từng biết.
Ảnh: Miss Grand Thailand 2020, cô là một trong số rất ít các hoa hậu ở Thái Lan đi ngược tiêu chuẩn vẻ đẹp thông thường
Dù đất nước có sự đa dạng lớn về ngoại hình, nhưng vẻ đẹp của người Thái da nâu ít được biết đến hơn trong showbiz, thậm chí còn bị kỳ thị. Năm ngoái, cô gái da nâu Pacharaporn Chantarapadit đăng quang tại cuộc thi Miss Grand Thailand. Một số khán giả đã cho rằng cô không đủ xinh đẹp để làm hoa hậu và buông lời lẽ miệt thị.
Ảnh: nữ diễn viên Bella Ranee Campen là người lai Anh-Thái Lan.
Trong những thập niên gần đây, người Thái Lan có sự tiếp xúc ngày càng nhiều với các nước phương Tây. Người Thái lấy vợ, lấy chồng người nước ngoài không còn lạ chuyện lạ lẫm, và ngày càng có nhiều người Thái sinh ra có cha hoặc mẹ là người châu Âu, Bắc Mỹ hay Úc.
Ảnh: Nadech Kugimiya, diễn viên người Thái Lan có gốc Áo (họ Kugimiya anh này lấy theo họ cha nuôi, chứ không phải gốc Nhật)
Vẻ đẹp lai phương Tây rất được săn đón trong ngành giải trí Thái Lan. Nhiều nam, nữ diễn viên nổi tiếng của nước này là người lai Thái Lan và da trắng. Có thể kể đến một vài cái tên như Mario Maurer (lai Đức) hay Davika Hoorne (lai Bỉ).
No comments:
Post a Comment