Sunday, March 21, 2021

Khoảnh khắc thế giới (tuần 15/3-21/3/2021)



Ảnh 1: Các em học sinh đeo khẩu trang trong lớp học sáng thứ hai ngày 15/3 tại Srinagar, thành phố lớn nhất và đồng thời là thủ phủ mùa hè của của bang Jammu và Kashmir thuộc miền Bắc Ấn Độ. (Bang này có 2 thủ phủ: Srinagar vào tháng 5 đến 10, Jammu vào tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Các trường tiểu học tại Kashmir vừa mở cửa trở lại sau một năm tạm dừng bởi sự lây lan của dịch COVID-19. 


Ảnh 2: Một nhân viên thu phí xe bus cầm trong tay tiền USD và các tờ tiền bolivar mệnh giá 200.000 và 500.000 tại một trạm dừng ở Caracas, thủ đô Venezuela. Lạm phát phi mã đã buộc Venezuela phải in các tờ tiền mệnh giá lớn, mới đây nhất là tờ 1.000.000 bolivar. Theo tỷ giá chính thức được công bố, tờ 1.000.000 bolivar Venezuela có giá trị khoảng 0,52 USD (xấp xỉ 12.000 VND), nhưng trên thực tế, giá trị của nó chỉ khoảng 0,02 USD (khoảng 500 VND). Nhiều người dân Venezuela buộc phải xoay sang USD trong các giao dịch hàng ngày. Đọc thêm tại đây


Ảnh 3: Một em bé thích thú khi tuyết rơi tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, miền Tây Trung Quốc vào ngày 17/3  


Ảnh 4: Akina, một con hổ Siberia cái tại vườn thú thành phố Cologne, bang Nordrhein-Westfalen, Đức, ảnh chụp ngày 18/3. Akina sinh ra tại Leipzig vào năm 2017 và mới chuyển đến Cologne từ tháng 2 năm nay. 


Ảnh 5: Hai em bé trong buổi tuần hành tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại Georgia, trong đó có sáu phụ nữ người Mỹ gốc Á. Ảnh chụp ngày 19/3 tại thành phố New York. 


Ảnh 6: Một người đàn ông đi giữa những bức ảnh tưởng niệm các nhân viên y tế tuyến đầu đã qua đời khi chiến đấu chống lại COVID-19 tại thủ đô San Salvador của El Salvador, một quốc gia thuộc khu vực Trung Mỹ. Ảnh chụp ngày 19/3. 


Ảnh 7: Ảnh ngày 20/3: một gia đình người Kurd tại Iraq mặc trang phục truyền thống đón mừng lễ Nowruz, dịp Tết của nhiều dân tộc ở các nước Tây Á và Trung Á. Nowruz là một lễ hội truyền thống có nguồn gốc từ một tôn giáo lâu đời có tên Hỏa giáo (Zoroastrianism) được tổ chức trùng với thời điểm xuân phân. 


Ảnh 8: Hai người phụ nữ, một người dắt em bé, người còn lại ôm chú chó đi qua một con phố ngổn ngang tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar vào ngày 20/3. Theo Liên Hợp Quốc, tính đến 21/3 đã có 211 người thiệt mạng sau gần 2 tháng biến động chính trị tại đất nước này. 


Ảnh 9: Núi lửa Fagradalsfjall thức giấc sau 6000 năm ngủ yên tại Iceland (ảnh chụp ngày 20/3). Dòng dung nham không ảnh hưởng đến người dân vì khu vực núi lửa phun trào ít cư dân sinh sống. 

Vài nét về lịch sử hiện đại Myanmar qua hình ảnh


Ảnh 1: poster về Myanmar trong một cuộc triển lãm của Đế quốc Anh năm 1924

Đầu thế kỷ 20, đa phần các nước trong khu vực Đông Nam Á trở thành thuộc địa của các đế quốc phương Tây. Trong khi Việt Nam, Lào, Campuchia thành thuộc địa của Pháp thì đất nước Myanmar là một thuộc địa của Đế quốc Anh. Gạo và gỗ tếch (teak) là hai trong số những sản vật dồi dào của Myanmar góp vào sự giàu có của đế quốc này. Khi đó, Myanmar có tên gọi trong tiếng Anh là “Burma”. Còn tiếng Việt trước đây gọi Myanmar là “Miến Điện”.


Ảnh 2: Aung San tại London năm 1947 để đàm phán về nền độc lập của Myanmar

Aung San (1915-1947) là một nhà lãnh đạo yêu nước người Myanmar. Từ thời sinh viên đại học, ông đã tham gia vào các phong trào chống chủ nghĩa đế quốc cũng như tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Ông cũng là người thành lập quân đội Myanmar (Tatmadaw). Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông đàm phán để Đế quốc Anh rời khỏi Myanmar. Aung San được nhiều người Myanmar yêu mến, coi là người cha của dân tộc. Ông và nhiều lãnh đạo chủ chốt khác của đất nước bị ám sát năm 1947.


Ảnh 3: Lá cờ thuộc địa được hạ xuống, đánh dấu thời khắc Myanmar (Miến Điện) trở thành một quốc gia độc lập ngày 1/1/1948

Myanmar chính thức trở thành một quốc gia độc lập vào ngày đầu tiên của năm 1948. Ngay khi mới ra đời, Myanmar đã phải đối mặt với tình hình bất ổn do có nhiều cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân. Về mặt ngoại giao, Myanmar theo đường lối trung lập. Myanmar từ chối gia nhập khối SEATO, một tổ chức được thành lập để ngăn cản chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á.


Ảnh 4: Lực lượng quân đội trên đường phố Yangon (lúc đó tên là Rangoon), ngày 4/3/1962

Tháng 3 năm 1962, Myanmar xảy ra đảo chính, tướng Ne Win bắt giữ các quan chức chính phủ. Ngày 7/7 cùng năm, cuộc biểu tình phản đối đảo chính của sinh viên Đại học Rangoon bị đàn áp khiến hơn 100 sinh viên thiệt mạng.

Sau khi lên nắm quyền, tướng Ne Win thay đổi chính sách kinh tế, cô lập Myanmar với thế giới bên ngoài. Tình hình an ninh trong nước cũng không ổn định. Năm 1978, quân đội Myanmar tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm trục xuất người Rohingya, một dân tộc thiểu số ở bang Rakhine và khiến cho khoảng 200.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh.


Ảnh 5: Tờ tiền mệnh giá 90 kyat

Kinh tế Myanmar ngày càng suy sụp, nợ nước ngoài tăng cao. Năm 1987, Myanmar “được” Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách các nước kém phát triển nhất (“least developed countries”). Thời kỳ này, đồng tiền kyat của Myanmar có những mệnh giá kỳ lạ như 90 và 45 kyat (là những số chia hết cho 9). Tướng Ne Win tin rằng con số 9 là con số may mắn của ông ta.


Ảnh 6: Cuộc biểu tình của nhân viên bộ Quốc phòng Myanmar dưới mưa ngày 7/9/1988 tại Yangon

Năm 1987, chính quyền Myanmar đột ngột tuyên bố rút các tờ tiền 100, 75, 35 và 25 kyat khỏi lưu thông, trong nước chỉ còn dùng tờ 90 và 45 kyat. Hậu quả là nhiều khoản tiết kiệm của người Myanmar bay hơi. Kinh tế khủng hoảng, tham nhũng, tình trạng bạo lực từ phía chính quyền đã dẫn đến cuộc nổi dậy 8888 của người dân Myanmar với sự tham gia của nhiều thành phần như sinh viên đại học, bác sĩ, phụ nữ, nhà sư. (Cuộc nổi dậy có tên như vậy vì sự kiện chính diễn ra vào ngày 8/8/1988.)

Cuộc nổi dậy cuối cùng bị trấn áp. Quân đội Myanmar đưa ra con số 350 người thiệt mạng, nhưng cũng có những con số ước tính khác lên đến hàng ngàn.


Ảnh 7: Một cô gái Myanmar đang bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổ chức năm 1990

Cuộc nổi dậy 8888 gây sức ép buộc chính quyền Myanmar phải thay đổi. Năm 1990, một cuộc bầu cử được tổ chức với chiến thắng thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy), người đứng đầu là Aung San Suu Kyi. Người phụ nữ này chính là con gái của Aung San, người đã mang lại nền độc lập cho Myanmar.

Phe quân đội Myanmar sau đó đã không công nhận kết quả bầu cử, bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia.


Ảnh 8: Một nhóm quân nổi dậy chống lại quân đội Myanmar người Karen, một dân tộc thiểu số. Bạo lực tại Myanmar đã lôi rất nhiều trẻ em vào xung đột. Ảnh chụp năm 1988.

Sau khi bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc, chính quyền quân sự Myanmar tiếp tục nắm quyền. Nhiều cuộc nổi dậy của các nhóm vũ trang vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều bang của Myanmar.


Ảnh 9: Người dân Myanmar nắm tay nhau bảo vệ các nhà sư trong cuộc tuần hành phản đối chính quyền quân sự trên đường phố Yangon năm 2007

Năm 2007, chính phủ Myanmar bất ngờ bỏ trợ giá nhiên liệu, khiến giá xăng, khí đốt tăng vọt. Nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra tại Myanmar, trong đó có sự tham gia của nhiều Phật tử.


Ảnh 10: một nữ tu sĩ Myanmar cầu nguyện trên đường phố Yangon, phía trước bà là một đoàn biểu tình (26/9/2007)

Quân đội Myanmar dập tắt các cuộc biểu tình năm 2007 bằng vũ lực. Con số chính thức được đưa ra là 13 người thiệt mạng, nhưng có những ước tính cao hơn.


Ảnh 11: Những đứa trẻ người Myanmar đi qua di ảnh của nạn nhân của trận bão Nargis năm 2008

Năm 2008, trận bão có tên Nargis đổ bộ vào Myanmar, gây ra hậu quả thảm khốc (khoảng 138.000 người thiệt mạng hoặc mất tích) và trở thành thảm họa thiên tai nặng nề nhất trong lịch sử Myanmar. Chính quyền Myanmar phản ứng chậm chạp và thậm chí lúc đầu khước từ các nỗ lực cứu trợ của quốc tế. Sau khi Ấn Độ và các nước ASEAN hối thúc, Myanmar mới cho phép các đoàn cứu trợ nước ngoài vào giúp.


Ảnh 12: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Aung San Suu Kyi trong một sự kiện năm 2019

Bắt đầu từ năm 2011, Myanmar tiến hành một số cải cách chính trị, kinh tế. Năm 2015, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành được nhiều phiếu bầu của người dân nhất. Myanmar tiến hành mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là giai đoạn mà quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar mở rộng. Số người Việt Nam sang Myanmar làm ăn, du lịch tăng lên.


Ảnh 13: Một cô gái người Rohingya trên đường đến một trại tị nạn ở Bangladesh

Bên cạnh những tiến bộ về kinh tế, xã hội mà Myanmar đạt được trong thập niên 2010, những cuộc xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn tại những vùng xa xôi của Myanmar. Trong những cuộc xung đột đó, nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya với nhiều nguyên nhân và diễn biến rất phức tạp. Hậu quả là hơn 700.000 người Rohingya đã phải chạy sang nước ngoài.


Ảnh 14: Như mọi ngày, cô giáo dạy aerobics Khing Hnin Wai quay phim các bài tập của cô tại trung tâm thủ đô Naypyidaw. Video ngày 1/2 của cô tình cờ ghi lại diễn biến cuộc đảo chính.

Năm 2020, đảng NLD tiếp tục giành được số phiếu cao nhất của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, phe quân đội đã cho rằng cuộc bầu cử có gian lận. Ngày 1/2/2021, phía quân đội bất ngờ tiến hành cuộc đảo chính, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo cấp cao của Myanmar.


Ảnh 15: Các nhân viên y tế Myanmar kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, ảnh chụp vào ngày 10/2/2021

Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar đã dẫn đến những cuộc biểu tình trên quy mô lớn của người dân Myanmar, với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.


Ảnh 16: Di ảnh trong đám tang của Mya Thwate Thwate Khaing (20 tuổi), một trong những nạn nhân đầu tiên của tình trạng bạo lực tại Myanmar

Trước những cuộc tuần hành quy mô lớn diễn ra trên nhiều thành phố của Myanmar, chính quyền quân sự của nước này đã dùng những biện pháp mạnh để dẹp yên tình hình. Hậu quả là tính đến ngày 6/3/2021, đã có hơn 50 người Myanmar thiệt mạng. Những diễn biến đáng buồn tại Myanmar hiện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Sunday, February 28, 2021

Sự đa dạng về ngoại hình của người Thái Lan

Ở Việt Nam, các bộ phim điện ảnh và phim truyền hình Thái Lan có sức hút đáng kể và người Việt cũng khá quen thuộc với một số gương mặt nổi tiếng trong showbiz của nước bạn. Tuy nhiên, mình từng nghe và đọc được một số ý kiến là khi đi sang Thái Lan du lịch, người Việt lại nhận ra dân địa phương nhìn lại không giống người Thái trong phim cho lắm. Sự “không giống” ở đây không chỉ là sự chênh lệch về độ sang chảnh giữa người nổi tiếng với người bình thường, mà còn là sự khác biệt rõ rệt về màu da và đường nét khuôn mặt.
 
Trước đây, mình đã viết bài “Bức tranh chủng tộc của thế giới” và thấy có nhiều tranh luận rất thú vị về ngoại hình của người Thái, Thái gốc, Thái lai. Cho nên mình sẽ tiếp tục làm một bài riêng về sự đa dạng về ngoại hình của Thái Lan gắn với các thông tin lịch sử, địa lí nước này. Hình ảnh minh họa là một số người nổi tiếng của Thái Lan. Các bạn đọc thông tin chi tiết trong từng hình.


Ảnh: hình ảnh phổ biến về vẻ đẹp của phụ nữ Thái Lan trong phim ảnh và quảng bá du lịch


Ảnh: Các cô gái người Môn trong trang phục truyền thống

Một trong những cư dân lâu đời nhất ở Thái Lan là người Môn (Mon), có mặt tại Thái Lan trước cả người Thái. Đây là một dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), một hệ ngôn ngữ có bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Khmer. Một tên gọi khác của hệ ngôn ngữ Nam Á là Môn-Khmer, trong cái tên này nhắc đến người Môn.


Ảnh: bản đồ những khu vực ở Thái Lan từng có người Môn sinh sống (màu xanh)

Người Môn được cho là đã di cư từ Trung Quốc xuống bán đảo Đông Dương khoảng 3000 năm trước. Là một trong những cư dân bản địa đầu tiên của vùng Đông Nam Á lục địa, người Môn đóng vai trò rất lớn trong việc tiếp nhận và truyền bá Phật giáo tiểu thừa ở Đông Nam Á. Họ là chủ nhân của nền văn hóa Dvaravati, một tập hợp các tiểu quốc dọc sông Chao Phraya từ thế kỷ 6 đến 11.


Ảnh: Công chúa Sirindhorn, con gái của vua Bhumibol Adulyadej. Giống như nhiều thành viên hoàng tộc Thái Lan, bà có một phần dòng máu Môn.

Về sau, những vương quốc của người Môn dần bị người Khmer và người Thái thôn tính. Dân số người Môn hiện nay chỉ khoảng 1,2 triệu người, chủ yếu sống tại bang Mon của Myanmar. Một trong những di sản đáng kể nhất của người Môn có lẽ chính là… hoàng gia Thái Lan. Vua Rama I, vị vua đầu tiên của triều đại Chakri hiện tại có cha là một quý tộc người Môn trong triều đình (còn mẹ là người có một phần gốc Hoa).


Ảnh: Siroch Chatthong, cầu thủ bóng đá người Thái gốc Khmer. Anh này quê ở Surin, Đông Bắc Thái Lan.

Trước khi người Thái tiến xuống Thái Lan, vùng đất này cũng là nơi cư trú của người Khmer. Một phần lớn lãnh thổ Thái Lan từng nằm trong đế quốc Khmer rộng lớn và hùng mạnh thời trung đại. Ngày nay, các dấu tích kiến trúc đậm chất Khmer vẫn còn sót lại ở các tỉnh Nakhon Ratchasima, Buriram và Surin.


Ảnh: người Maniq ở Thái Lan (ảnh của Phathraphan Udomsri)

Một trong những nhóm cư dân bản địa khác đáng chú ý ở Thái Lan là người Maniq. Họ là một nhóm dân tộc thiểu số cư trú ở miền Nam Thái Lan với dân số chỉ khoảng 300 người. Người Maniq có ngoại hình khá khác biệt so với đa số cư dân Thái Lan hiện đại.


Ảnh: Weir Sukollawat Kanarot, diễn viên Thái Lan

Từ thế kỷ 10, các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai bắt đầu di cư từ miền Nam Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Họ là tổ tiên của người Thái và người Lào hiện nay.


Ảnh: Pope Tanawat Wattanaputi, diễn viên Thái Lan trong một bộ phim lấy cảm hứng lịch sử thời vương quốc Ayutthaya

Khi người Thái tiến xuống vùng đồng bằng Chao Phraya trong lãnh thổ Thái Lan hiện tại, họ đã tiếp xúc với các dân tộc Môn và Khmer, kết quả là xảy ra sự hòa trộn về dòng máu giữa các sắc dân. Người Thái cũng tiếp nhận văn hóa và tôn giáo của hai dân tộc Đông Nam Á này. Người Thái lần lượt lập ra các vương quốc Sukhothai và Ayutthaya.


Ảnh: Ter Chantavit Dhanasevi, một nam diễn viên của Thái Lan

Sự lai của giữa các bộ tộc Thái từ phương Bắc và các dân tộc bản địa phương Nam đã dẫn tới sự đa dạng về gen và ngoại hình rất lớn của người Thái hiện đại. Việc định nghĩa “người Thái gốc” cũng rất khó vì diện mạo của người Thái là tổng hòa của nhiều dân tộc đã sống tại Thái Lan hàng thế kỷ.


Ảnh: Cris Horwang, diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng của Thái Lan. Cô là người Thái gốc Hoa.

Bắt đầu từ thế kỷ 13, người Trung Quốc (chủ yếu là từ Quảng Đông và Phúc Kiến) cũng bắt đầu đi sang Thái Lan. Người Hoa đến Thái Lan khi đó chủ yếu là đàn ông làm nghề buôn bán, rất ít phụ nữ đi cùng. Nhiều người chọn kết hôn với phụ nữ bản địa, dần dần tạo thành một lớp người Thái gốc Hoa.


Ảnh: Tay Tawan Vihokratana, một diễn viên người Thái Lan có gốc Hoa

Sang thế kỷ 20, việc nhập cư từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Sự thành công về kinh tế của người gốc Hoa đôi khi cũng dẫn đến mâu thuẫn với người Thái bản địa, nhất là trong thời gian từ thập niên 1930 đến 1950.


Ảnh: một thanh niên người Thái Lan có gốc Hoa

Tuy nhiên càng về sau, thế hệ con cháu người Hoa ngày càng đồng hóa vào xã hội Thái Lan và tự coi mình là người Thái, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Thái chứ không phải tiếng Trung.


Ảnh: bà Yingluck Sinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan xuất thân trong một gia đình gốc Hoa giàu có ở Chiang Mai

Hiện nay ở Thái Lan có khoảng 10 triệu người gốc Hoa, chiếm 14% dân số nước này. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Thái Lan Theraphan Luangthongkum cho rằng nếu tính cả những người lai Thái-Hoa thì số người gốc Hoa có thể lên đến 40% dân số. Đa phần các thủ tướng Thái Lan đều có một vài tổ tiên là người Hoa.


Ảnh: Peach Pachara Chirathivat, nam diễn viên Thái Lan là một thành viên của gia tộc Chirathivat giàu có ở nước này

Người Hoa cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này là của người Thái gốc Hoa. Người Hoa chiếm tỷ lệ lớn trong tầng lớp trung lưu Thái. Họ sống tập trung chủ yếu ở Bangkok và vùng duyên hải của nước này.


Ảnh: một quảng cáo kem làm trắng da của Thái Lan từng gây bức xúc trong dư luận

Tuy không có mâu thuẫn về chủng tộc gay gắt như một số nước phương Tây, song Thái Lan vẫn tồn tại sự kỳ thị về màu da. Theo quan điểm thẩm mỹ của xã hội Thái, da trắng hơn đồng nghĩa với sự sung túc của những tầng lớp giàu có, không phải mưu sinh trên đồng ruộng hay lao động ngoài trời. Định kiến màu da này ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và tiêu chuẩn cái đẹp của một bộ phận người dân Thái.


Ảnh: dàn diễn viên trong phim “Thiên tài bất hảo” (“Bad Genius”), nội dung phim lấy bối cảnh một trường trung học Thái Lan.

Ngành giải trí của Thái Lan ưa chuộng vẻ đẹp của những người Thái có nước da sáng, trong đó có cả những người Thái gốc Hoa hơn là những người Thái có nước da nâu. Người Thái gốc Hoa hoặc lai luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong showbiz Thái Lan. Một số bộ phim và phim truyền hình Thái nổi tiếng ở Việt Nam như “Bad Genius” hay “Hormones” có dàn cast là người Thái gốc Hoa chiếm tỷ lệ lớn.


Ảnh: một nhóm học sinh Thái Lan

Trong thực tế, người Thái Lan có sự đa dạng lớn về ngoại hình, có người mang nét thiên về Đông Á, có người mang nét Đông Nam Á rõ hơn.


Ảnh: một nhóm các em học sinh Thái Lan

Người Việt từng tiếp xúc với Thái Lan qua phim ảnh khi sang Thái Lan có thể hơi bất ngờ vì nhiều người dân Thái có ngoại hình khá khác biệt so với những diễn viên, ca sĩ họ từng biết.


Ảnh: Miss Grand Thailand 2020, cô là một trong số rất ít các hoa hậu ở Thái Lan đi ngược tiêu chuẩn vẻ đẹp thông thường

Dù đất nước có sự đa dạng lớn về ngoại hình, nhưng vẻ đẹp của người Thái da nâu ít được biết đến hơn trong showbiz, thậm chí còn bị kỳ thị. Năm ngoái, cô gái da nâu Pacharaporn Chantarapadit đăng quang tại cuộc thi Miss Grand Thailand. Một số khán giả đã cho rằng cô không đủ xinh đẹp để làm hoa hậu và buông lời lẽ miệt thị.


Ảnh: nữ diễn viên Bella Ranee Campen là người lai Anh-Thái Lan.

Trong những thập niên gần đây, người Thái Lan có sự tiếp xúc ngày càng nhiều với các nước phương Tây. Người Thái lấy vợ, lấy chồng người nước ngoài không còn lạ chuyện lạ lẫm, và ngày càng có nhiều người Thái sinh ra có cha hoặc mẹ là người châu Âu, Bắc Mỹ hay Úc.


Ảnh: Nadech Kugimiya, diễn viên người Thái Lan có gốc Áo (họ Kugimiya anh này lấy theo họ cha nuôi, chứ không phải gốc Nhật)

Vẻ đẹp lai phương Tây rất được săn đón trong ngành giải trí Thái Lan. Nhiều nam, nữ diễn viên nổi tiếng của nước này là người lai Thái Lan và da trắng. Có thể kể đến một vài cái tên như Mario Maurer (lai Đức) hay Davika Hoorne (lai Bỉ). 


Ảnh: Maria Poonlertlarp, Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2017 có cha là người Thụy Điển, mẹ là người Thái gốc Hoa.

Trong các cuộc thi người đẹp của Thái Lan, các cô gái lai cũng thường hay đạt thứ hạng cao. Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan, trong vòng 5 năm qua đã có tới 3 cô gái lai Tây đăng quang.

Monday, February 1, 2021

Bức tranh chủng tộc của thế giới

Thế giới có bao nhiêu chủng tộc? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, tùy vào những cách phân loại khác nhau. Một trong những cách phân loại chủng tộc được chấp nhận phổ biến nhất ở Việt Nam, được đưa vào sách giáo khoa Địa lý lớp 7 là cách chia thành 3 chủng tộc lớn: Mongoloid (Môn-gô-lô-it) - người da vàng, Negroid (Nê-grô-it) - người da đen và Europid (Ơ-rô-pê-ô-it) - người da trắng. Bên cạnh 3 nhóm chủng tộc lớn trên, các nhà khoa học cho rằng còn có một chủng tộc nữa riêng biệt là Australoid (Ô-xtra-lô-it), sống ở khu vực châu Đại Dương. Tuy nhiên, do những biến chuyển của lịch sử cũng như sự khác biệt về địa lý, trong mỗi chủng tộc lại có sự phân hóa đa dạng và xuất hiện các nhóm người lai. Trong bài này, mình sẽ minh họa về các chủng tộc qua một số hình ảnh sưu tầm từ trên internet. Các bạn click vào từng hình để xem thông tin chi tiết hơn.

Vì đây là một chủ đề lớn và phức tạp nên chắc chắn trong bài viết ngắn này mình không thể bao quát hết, nên rất mong nhận được chia sẻ thêm của các bạn.

Bài có tham khảo một số hình ảnh, thông tin trong sách giáo khoa Địa lý 7-8 và hình ảnh của trang Atlas of Beauty.


Ảnh 1: hình ảnh minh họa về 3 chủng tộc trong sách giáo khoa Địa lý 7


Ảnh 2: một cô gái Mông Cổ, ảnh chụp tại thủ đô Ulanbataar của nhiếp ảnh gia Mihaela Noroc (dự án ảnh The Atlas of Beauty)

Chủng tộc Mongoloid chiếm tỷ lệ lớn ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Cái tên Mongoloid bắt nguồn từ tên nước Mông Cổ (Mongolia) để chỉ các nước da vàng nói chung.


Ảnh 3: một nam thanh niên Trung Quốc

Người da vàng, hay đại chủng Á phân bố trên một phạm vi địa lý rộng lớn và có sự khác biệt tương đối đáng kể giữa người Mongoloid phương Bắc (Bắc Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Mông Cổ) với người Mongoloid phương Nam (Nam Trung Quốc và Đông Nam Á). Người Mongoloid phương Bắc thường mang một số đặc điểm như mắt nhỏ và một mí, mũi cao trung bình, nước da vàng nhạt.


Ảnh 4: một nữ cảnh sát người Indonesia (ảnh chụp tại Jakarta, Atlas of Beauty)

Trong khi đó, người Mongoloid phương Nam thường có nước da sẫm hơn, mắt to và hai mí. Các dân tộc Mongoloid phương Nam được chia vào nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, trong đó đông đảo nhất là hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian), chiếm tỷ lệ lớn trong dân số các nước Indonesia, Malaysia và Philippines.


Ảnh 5: một nam thanh niên người Thái Lan

Tuy nhiên, ranh giới giữa Mongoloid phương Bắc và Mongoloid phương Nam cũng không phải lúc nào cũng rạch ròi, dễ phân biệt. Có thể kể đến một ví dụ là Thái Lan và Lào. Tổ tiên của người Thái và Lào được cho là có nguồn gốc từ thượng nguồn sông Mê Kông đã di cư dần xuống phía nam, trong quá trình đó lai với các dân tộc Đông Nam Á đã sinh sống ở đó từ trước. Trong lịch sử Đông Nam Á, không ít lần có những làn sóng người Hoa di cư xuống phía Nam (ví dụ khi nhà Minh sụp đổ) rồi kết hôn với người dân các nước Đông Nam Á.


Ảnh 6: hoa hậu Việt Nam 2018, Trần Tiểu Vy

Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam được xếp vào nhóm Mongoloid. Có ý kiến cho rằng ngoại hình của người Việt nói chung nằm trên ranh giới giữa hai vùng Mongoloid phương Bắc và phương Nam, không nghiêng hẳn về một khu vực nào. Người Việt Nam không hoàn toàn giống người Trung Quốc, Hàn Quốc, và cũng có nét khác biệt với người Indonesia, người Malay.


Ảnh 7: Các cô gái người Maya ở Guatemala, một nước Trung Mỹ

Theo các nhà nhân chủng học, người Mongoloid cổ đã từ châu Á men theo eo biển Bering (nối liền Nga và Alaska) để di cư sang châu Mỹ, trở thành tổ tiên của các nền văn minh lớn như Maya, Aztec và Inca. Không có gì ngạc nhiên khi người bản địa châu Mỹ nhìn có nét giống giống cư dân vùng Đông Nam Á hiện đại.


Ảnh 8: Asa Butterfield, diễn viên người Anh

Chủng tộc Europid (còn gọi là Caucasian) - người da trắng chiếm số đông dân số của châu Âu. Các dân tộc của châu Âu lại được phân thành 3 nhóm ngôn ngữ lớn có liên hệ lịch sử, văn hóa là German (Đức, Anh, các nước Bắc Âu), Latinh (Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Romania) và Slav (Nga, Ba Lan, các nước Nam Tư cũ). Ngoài ra còn có các dân tộc không thuộc 3 nhóm kể trên là Hy Lạp, Albania, Hungary… Đặc điểm chung của nhóm Europid là có nước da trắng/sáng màu, có sự đa dạng về màu mắt (xanh lam, xanh lục, nâu) và màu tóc (vàng, đỏ, nâu, đen).


Ảnh 9: một cô gái Nga ở thành phố Korolyov (Atlas of Beauty)

Trong từng nhóm ngôn ngữ lớn của châu Âu cũng chia làm nhiều nhóm dân tộc dựa trên mối quan hệ gần gũi. Người Nga có liên hệ chủng tộc gần với người Ukraine và Belarus hơn cả (nhóm Đông Slav), người Ba Lan có họ hàng gần với Czech và Slovakia (Tây Slav). Còn nhóm Nam Slav có các dân tộc như Bulgaria, Serbia, Croatia…


Ảnh 10: Á hậu 1 Miss Universe 2013 người Tây Ban Nha, Patricia Rodriguez

Các nước châu Âu nhìn chung đều thuộc chủng tộc Europid nhưng cũng có sự khác biệt giữa các khu vực địa lý. Ví dụ tỷ lệ người tóc vàng cao hơn ở các nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy nhưng xuống Nam Âu lại thấp hơn. Một bộ phận dân Nam Âu như Tây Ban Nha chẳng hạn có nước da rám nắng màu bánh mật tự nhiên, đường nét có phần hao hao các nước Trung Đông. Thời trung cổ, Tây Ban Nha từng là vùng đất của các vương quốc Hồi giáo.


Ảnh 11: Diễn viên người Mỹ gốc Ai Cập Rami Malek.

Tuy nhiên, người Europid (hay người da trắng) không chỉ sống tại mỗi châu Âu như cái tên gọi chủng tộc này. Họ còn là cư dân bản địa của một số khu vực địa lý khác, chẳng hạn như Tây Á, Nam Á và Bắc Phi. Một bộ phận lớn người dân ở các nước Bắc Phi như Ai Cập, Algeria, Libya có nước da sáng màu và đường nét giống người Âu, chứ không phải là người da đen.


Ảnh 12: Lược đồ phân bố chủng tộc ở châu Á (sách giáo khoa Địa lý 8)

Châu Á là nơi sinh sống đan xen của các chủng tộc Mongoloid, Europid và cả Australoid.


Ảnh 13: Chân dung một cô gái Iran (Atlas of Beauty)

Chủng tộc Europid còn sinh sống tại nhiều nước Tây Nam Á, có thể kể đến như Saudi Arabia, Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… Ngoại hình của người dân Tây Nam Á gần gũi với người châu Âu hơn so với người da vàng ở phía bên kia châu lục.


Ảnh 14: Địch Lệ Nhiệt Ba, diễn viên người Trung Quốc thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghur)

Chính tại châu Á, tại những làn ranh giữa các chủng tộc lớn đã xuất hiện những dân tộc mang vẻ đẹp lai độc đáo. Một trong số đó là khu vực Trung Á (bao gồm 5 nước thuộc Liên Xô cũ tên có đuôi -stan như Kazakhstan, Uzbekistan) và cả miền Tây Trung Quốc. Cư dân của vùng này có những người mang nét đẹp của cả đại chủng Mongoloid và Europid.


Ảnh 15: Aishwarya Rai, nữ diễn viên Ấn Độ từng đoạt vương miện Miss World 1994. Cô được bình chọn là Hoa hậu Thế giới đẹp nhất lịch sử.

Ấn Độ là một giao điểm nữa giữa các chủng tộc lớn. Sự tương phản có thể nhận thấy rõ nét giữa các diễn viên Bollywood với nước da sáng màu, đường nét khuôn mặt đậm chất Âu với những người dân Ấn Độ có nước da sậm. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, sự kết hợp giữa người Australoid có nước da nâu với người Europid đã góp phần tạo nên vẻ đẹp rất riêng của phụ nữ Ấn Độ và Nam Á nói chung. Tùy theo mức độ lai, người Ấn Độ có thể có những người người da trắng, mắt xanh hoặc da nâu, mắt đen. Đó là còn chưa kể vùng Đông Bắc Ấn Độ có cư dân thuộc chủng tộc Mongoloid.


Ảnh 16: Một cô gái ở Mumbai, Ấn Độ (Atlas of Beauty)

Không phải người Ấn Độ nào cũng nhìn giống như diễn viên Bollywood ta thường thấy trên tivi. Người Ấn Độ có nước da nâu hiện vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và định kiến về màu da.


Ảnh 17: một người mẫu nam gốc Nigeria

Người Negroid - hay người da đen là chủng tộc chiếm tỷ lệ lớn ở phần lớn châu Phi (trừ Bắc Phi). Một vài đặc điểm ngoại hình nổi bật của người dân chủng tộc này là nước da từ nâu đến đen, môi dày, tóc quăn. Đa phần các dân tộc da đen ở châu Phi nói các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Niger-Congo.


Ảnh 18: một cô gái dân tộc Afar, Ethiopia (Atlas of Beauty)

Cũng như các chủng tộc khác, bên trong chủng tộc Negroid cũng có sự đa dạng rất lớn giữa các vùng địa lý khác nhau. Đường nét khuôn mặt của một số dân tộc vùng Sừng châu Phi (Ethiopia, Somalia) có một vài nét riêng, có thể là do những liên hệ về lịch sử, nhân chủng với cư dân của vùng Tây Nam Á.


Ảnh 19: tranh của họa sĩ Miguel Cabrera (thế kỷ 18): người da trắng lấy người da đỏ, sinh ra con lai mestizo

Bây giờ chúng ta sẽ tiến sang châu Mỹ, khu vực có sự đa dạng chủng tộc cực kỳ lớn. Những cư dân đầu tiên của châu Mỹ là người da đỏ thuộc chủng tộc Mongoloid có nguồn gốc từ châu Á. Sau những cuộc phát kiến địa lý và xâm chiếm thuộc địa của thực dân châu Âu, người da trắng đã di cư sang châu Mỹ với số lượng lớn, kèm theo đó là những nô lệ da đen bị bắt từ châu Phi sang. Sự chung sống giữa các chủng tộc đã tạo nên bức tranh sắc tộc đa dạng của nhiều nước trong khu vực này.


Ảnh 20: tranh của họa sĩ Miguel Cabrera (thế kỷ 18): người da trắng lấy người da đen, sinh ra con lai mulatto

Ở một số thuộc địa Bắc Mỹ, việc kết hôn giữa người khác chủng tộc bị cấm đoán do quan niệm về sự thượng đẳng của người da trắng, tuy nhiên vẫn có nhiều đứa trẻ là con lai sinh ra (do cưỡng ép). Trong khi đó tại Mỹ Latinh, việc kết hôn đa chủng tộc giữa đàn ông Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với phụ nữ bản địa và da đen xảy ra phổ biến hơn. Lúc đầu, người Tây Ban Nha cố gắng phân loại các nhóm người lai bằng cách tên gọi như mestizo (lai da trắng, da đỏ), mulatto (lai da trắng, da đen), castizo (mang ¾ dòng máu da trắng, ¼ da đỏ)… Tuy nhiên sau vài thế hệ, sự hòa huyết giữa các chủng tộc đan xen nhiều đến mức việc phân loại trở nên bất khả thi.


Ảnh 21: Ariadna Gutierrez, “hoa hậu hụt” tại Miss Universe 2015, cô sở hữu vẻ đẹp lai đa sắc tộc

Ngày nay, người lai chiếm tỷ lệ khá lớn tại nhiều nước Mỹ Latinh như Mexico, Peru, Venezuela, Colombia, Brazil… Nhiều người lai mang vẻ đẹp kết hợp hài hòa giữa các chủng tộc, và có lẽ nhờ đó, khu vực Mỹ Latinh trở thành lò của nhiều người mẫu, hoa hậu nổi tiếng.


Ảnh 22: Magnolia Maymuru, thí sinh hoa hậu người bản địa (Aboriginal Australian) tại Australia

Ngoài 3 nhóm chủng tộc chính, chủng tộc Australoid cũng được coi là một chủng tộc riêng rẽ mặc dù về mặt ngoại hình họ có nhiều điểm tương đồng với người Negroid ở châu Phi. Người Australoid là cư dân bản địa của các nước châu Đại Dương như Úc, Papua New Guinea.